Viêm tai giữa là một trong những bệnh nhiễm khuẩn phổ biến nhất ở trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em có tiền sử viêm tai giữa tái phát thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ suy giảm thính lực, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như phát triển toàn diện. Một trong những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc phòng ngừa và giảm số lần tái phát viêm tai giữa là rửa mũi.
Mục lục
Nghiên cứu về Lợi ích rửa mũi thường xuyên với việc làm giảm mắc viêm tai giữa trẻ em
Có nhiều nghiên cứu về lợi ích của rửa mũi đúng cách đối với việc làm giảm tần suất mắc bệnh tai mũi họng. Trong một nghiên cứu tiến hành năm năm 2018-2019 tại Italia, các nhà nghiên cứu nhận thấy lợi ích rõ rệt của việc rửa mũi thường xuyên cho trẻ giúp làm giảm tần suất mắc viêm tai giữa, cụ thể như sau.
Đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành trên các trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi có tiền sử mắc viêm tai giữa cấp tính tái phát (RAOM). Những trẻ này được coi là đối tượng dễ mắc bệnh viêm tai giữa tái phát, với ít nhất ba lần mắc bệnh trong vòng 6 tháng hoặc ít nhất bốn lần mắc bệnh trong vòng 12 tháng. Các trẻ em tham gia vào nghiên cứu đều được bác sĩ tai mũi họng xác nhận bệnh sử, dựa trên các dấu hiệu như sốt, đau tai, cáu gắt, hoặc màng nhĩ sưng đỏ, kèm theo việc phát hiện viêm tai qua soi tai và đo áp lực tai giữa. Những trẻ có tiền sử sử dụng các liệu pháp điều trị mũi trước khi tham gia nghiên cứu, chẳng hạn như các dung dịch rửa mũi hoặc thuốc nhỏ mũi, đều bị loại khỏi nghiên cứu để đảm bảo tính chính xác.
Nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Milan, Ý, và được thông qua bởi Ủy ban Đạo đức của Fondazione IRCCS Ca’ Granda Ospedale Maggiore Policlinico. Đây là một nghiên cứu hồi cứu, dựa trên việc xem xét hồ sơ bệnh án của trẻ từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 1 năm 2018. Các bậc phụ huynh của những trẻ tham gia nghiên cứu được hướng dẫn chi tiết về cách rửa mũi cho trẻ bằng dung dịch muối sinh lý 0,9%.
Chi tiết phương pháp nghiên cứu
Trẻ em tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm:
- Nhóm thực hiện rửa mũi dưới sự giám sát: Nhóm này gồm các trẻ được hướng dẫn kỹ lưỡng về cách rửa mũi đúng phương pháp bằng dung dịch muối sinh lý 0,9%. Cha mẹ của các trẻ trong nhóm này đã được bác sĩ hướng dẫn cụ thể bằng lời nói và thực hành trực tiếp. Họ cũng nhận được tờ rơi mô tả chi tiết từng bước thực hiện rửa mũi. Hơn nữa, vào lần khám thứ hai sau 4 tháng, cha mẹ của các trẻ này tiếp tục được yêu cầu thực hành lại để đảm bảo việc tuân thủ phương pháp rửa mũi.
- Nhóm không thực hiện rửa mũi dưới sự giám sát: Đây là nhóm đối chứng gồm các trẻ không được hướng dẫn cụ thể về cách rửa mũi. Cha mẹ của các trẻ này không nhận được bất kỳ chỉ dẫn nào về việc thực hiện rửa mũi thường xuyên hoặc cách thực hiện rửa mũi đúng phương pháp (Rua mui thuong xuyen gi…).
Cả hai nhóm trẻ đều được theo dõi trong khoảng thời gian 4 tháng sau lần khám đầu tiên. Trong thời gian theo dõi, các bác sĩ ghi nhận số lần trẻ bị viêm tai giữa cấp tính (AOM), số lần phải sử dụng kháng sinh, cũng như tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên (URTI).
Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc rửa mũi thường xuyên dưới sự giám sát có tác dụng giảm đáng kể số lần tái phát viêm tai giữa ở trẻ em. Cụ thể:
- Số lần viêm tai giữa cấp tính (AOM): Ở nhóm trẻ được hướng dẫn và giám sát việc rửa mũi, số lần tái phát AOM trung bình chỉ là 1,03 ± 0,14 lần trong 4 tháng, so với 2,08 ± 0,16 lần ở nhóm không được hướng dẫn. Điều này cho thấy sự giảm gần một nửa số lần mắc bệnh ở nhóm thực hiện rửa mũi.
- Số lần sử dụng kháng sinh: Số lần sử dụng kháng sinh cũng giảm đáng kể ở nhóm trẻ rửa mũi thường xuyên, từ 2,59 ± 0,18 lần ở nhóm không được hướng dẫn xuống còn 1,49 ± 0,17 lần ở nhóm được hướng dẫn.
- Số lần viêm tai giữa có kèm thủng màng nhĩ tự phát: Số lần mắc AOM có kèm thủng màng nhĩ tự phát (STMP) cũng giảm từ 1,32 ± 0,16 ở nhóm không được hướng dẫn xuống còn 0,66 ± 0,11 ở nhóm được hướng dẫn.
Như vậy, theo nghiên cứu này, rửa mũi thường xuyên bằng dung dịch muối sinh lý 0,9% đã được chứng minh là giúp giảm đáng kể số lần tái phát viêm tai giữa. Việc được hướng dẫn và thực hiện rửa mũi đúng cách giúp giảm tới 50% nguy cơ mắc viêm tai giữa ở trẻ em so với nhóm trẻ không được hướng dẫn rửa mũi.
Cơ chế mang lại lợi ích của rửa mũi và khuyến cáo rửa mũi cho trẻ
Không giống như nhiều người lo ngại việc rửa mũi có thể gây bất lợi cho tai, các nghiên cứu chỉ ra rửa mũi đúng cách và thường xuyên mang lại lợi ích đáng kể cho việc phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, cơ chế và khuyến cáo cụ thể việc rửa mũi cho trẻ như sau.
Cơ chế tác động của việc rửa mũi
Rửa mũi không chỉ giúp làm sạch dịch nhầy mà còn loại bỏ các tác nhân gây viêm, bao gồm vi khuẩn và các chất gây dị ứng, giúp cải thiện quá trình làm sạch tự nhiên của niêm mạc mũi. Điều này giúp giảm viêm nhiễm từ mũi lan xuống tai giữa, làm giảm nguy cơ tái phát viêm tai giữa ở trẻ em.
Khuyến cáo về việc rửa mũi cho trẻ
Để đạt được hiệu quả tối đa trong việc phòng ngừa viêm tai giữa, các bậc phụ huynh cần lưu ý các điểm sau khi rửa mũi cho trẻ:
- Dung dịch rửa: Sử dụng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước muối ưu trương cho trẻ với mức độ ưu trương hợp lý để đảm bảo có thể dùng lâu dài cho trẻ mà không gây tác dụng bất lợi với niêm mạc trẻ. Phải kiểm tra kỹ các thành phần trong dung dịch muối để đảm bảo không có thành phần nào gây kích ứng, gây hại cho niêm mạc mũi.
- Tư thế rửa mũi: Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, hãy đặt trẻ nằm nghiêng sang 1 bên khi rửa mũi; với trẻ lớn hơn có thể để trẻ cúi đầu nhẹ xuống bồn rửa tương tự như trẻ lớn và người lớn rửa mũi. Điều này giúp dung dịch dễ dàng đi qua khoang mũi mà không gây khó chịu cho trẻ.
- Dụng cụ rửa mũi: Sử dụng bình rửa mũi có van một chiều để đảm bảo dòng nước chảy đều và nhẹ nhàng. Hãy thực hiện động tác chậm rãi để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi.
- Tần suất rửa mũi: Rửa mũi cho trẻ một tới hai lần mỗi ngày, đặc biệt là vào buổi sáng và tối. Trong thời gian trẻ bị cảm lạnh hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng hô hấp, việc rửa mũi có thể tăng lên 3 lần mỗi ngày để giúp giảm triệu chứng.
- Hướng dẫn chi tiết và thực hành đúng cách: Phụ huynh nên được hướng dẫn chi tiết từ chuyên gia tai mũi họng về cách thực hiện rửa mũi để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho trẻ.
Kết luận
Kết quả này chứng minh rằng việc rửa mũi bằng dung dịch muối sinh lý, khi thực hiện đúng cách và đều đặn, có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ viêm tai giữa tái phát ở trẻ em. Điều này không chỉ giảm số lần sử dụng kháng sinh mà còn giúp trẻ tránh các biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa, như thủng màng nhĩ. Rửa mũi đúng cách không chỉ giúp làm sạch đường hô hấp trên mà còn giảm nguy cơ tái phát viêm tai giữa ở trẻ em. Đây là biện pháp đơn giản, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ sức khỏe tai mũi họng cho trẻ. Phụ huynh có thể đưa việc rửa mũi trở thành một phần thói quen hằng ngày để giúp trẻ phòng tránh các bệnh viêm nhiễm tai giữa.
Tham khảo nghiên cứu: https://www.frontiersin.org/journals/pediatrics/articles/10.3389/fped.2019.00218/full
Nếu cần thêm thông tin hoặc tư vấn về sức khỏe, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua hotline 0976.648.102 hoặc 0916.648.102. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Hy vọng bài viết trên đây mang lại các thông tin hữu ích cho bạn trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho bạn và cả gia đình.